“Cuộc sống luôn có những điều kỳ diệu được tạo thành từ nghị lực, lòng tin và ý chí của con người.”

Chiến thắng bản thân

Từ khi còn bé, Patti Wilson đã không may mắc phải chứng động kinh. Bố cô, Jim Wilson, là người vẫn thường chạy bộ vào mỗi buổi sáng. Một ngày nọ, cô bé đến bên bố và nói với ông rằng: "Bố ơi, điều con ước ao lớn nhất bây giờ là được chạy bộ cùng bố mỗi ngày.
Nhưng con sợ căn bệnh sẽ khiến con bị ngất. Con phải làm sao đây hả bố?". Bố cô bé động viên con gái: "Nếu con bị ngất, bố biết mình phải làm gì mà. Thế nên con cứ yên tâm, Patti của bố làm được mà! Bố con mình sẽ cùng cố gắng, con nhé!". Và mỗi ngày, hai bố con họ cùng chạy với nhau. Cô bé trở lại sống những tháng ngày vui tươi như trước khi cô bị bệnh, Patti đã chạy mà không hề bị ngất. Một thời gian không lâu sau đó, Patti nói với bố mình: "Bố ơi, con rất muốn phá kỉ lục thế giới của nữ môn chạy đường dài".
Bố cô bé liền đi tìm quyển sách Kỉ lục Guinness và biết được rằng: vào thời điểm đó, quãng đường chạy xa nhất mà phái nữ đã lập được là 80 dặm. Patti suy nghĩ việc này suốt một thời gian dài. Đến khi học năm đầu ở trường trung học, cô lại nói với bố mình: "Con sẽ chạy từ quận Cam đến San Francisco...". Đó là một quãng đường dài 400 dặm. Cô còn nói, sang năm thứ hai, cô sẽ chạy từ Portland đến bang Oregon - một quãng đường hơn 1.500
dặm. Những cơn co giật quái ác đã không ít lần khiến cô đau đớn vô cùng. Tay chân cô bị co rút, không thể cử động được nữa. Nhưng cô đã vượt qua tất cả để thực hiện ước mơ của mình. Trong cơ thể nhỏ bé của Patti lúc nào cũng cháy lên một ngọn lửa đam mê, nhiệt huyết và đầy tham vọng. Cô bé nói rằng căn bệnh động kinh của mình chỉ là "một bất tiện nhỏ". Cô ít khi lưu tâm đến điều mình đã mất, mà chỉ nhắm đến những gì mình đã có và cần phải đạt
được mà thôi.
Trong năm đầu tiên, Patti đã hoàn thành đường chạy của mình đến San Francisco như lời cô từng khẳng định. Trên đường chạy của mình, Patti đã mặc một chiếc áo có dòng chữ "Tôi yêu những người khuyết tật". Bố cô luôn đồng hành bên cô trên từng dặm đường, và mẹ cô, một y tá của bệnh viện địa phương, đã luôn túc trực trên ngôi nhà di động theo sau cô để phòng trường hợp bất trắc xảy đến với cô con gái thân yêu của mình. Đến năm thứ hai, Patti đã chạy cùng với sự cổ vũ và hỗ trợ nhiệt tình của các bạn cùng lớp. Họ căng một áp phích theo sau cô với dòng chữ "Cố gắng lên nào Patti!". Vượt qua nhiều chặng đường, sức lực cô cạn kiệt dần, điều đó thể hiện rõ trên khuôn mặt của Patti. Gần về đến Portland, cô bị ngã và trật khớp chân. Bác sĩ khuyên cô bé nên ngưng chạy, ông nói: "Tôi sẽ đặt một chiếc nẹp nơi mắt cá chân của cháu để tránh cho cháu không bị thương tổn về sau."

Cô bé đáp: "Bác sĩ ơi, chạy bộ không chỉ là ước mơ của cháu, nó chính là tất cả cuộc sống của cháu nữa. Cháu muốn xóa đi những tự ti định kiến ngăn trở những người tật nguyền khác hòa nhập vào cuộc sống. Bác sĩ thấy rồi đấy, chẳng phải cháu vẫn còn chạy được đó sao?". Và vị bác sĩ đã tìm cách giúp cô bé bằng cách để cho cô được lựa chọn. Và để tiếp tục được chạy, cô đã chọn cách băng mắt cá chân thay vì đặt vào đó một chiếc nẹp. Ông cảnh báo mắt cá chân của Patti sẽ bị sưng lên và đau đớn nhưng cô bé vẫn không thay đổi quyết định. Patti chạy về đến Portland trong tiếng reo hò của cả thành phố. Một dải băng màu đỏ rất dài và rộng đã được căng lên: "Patti Wilson là vận động viên xuất sắc nhất. Hoan hô PattiWilson!" Cô bé đầy nghị lực ấy đã hoàn thành đường đua dành cho người khuyết tật đúng vào ngày sinh nhật thứ 17 của mình. Sau bốn tháng chạy bộ gần như liên tục từ bờ Tây sang bờ Đông, Patti đã đến được Washington và bắt tay Tổng thống Mỹ. Cô nói với Tổng thống: "Cháu muốn mọi người hiểu rằng những người khuyết tật như cháu cũng là những con người có cuộc sống bình thường, cũng có thể làm được những điều mà những người khác có thể".
Khi tôi kể lại câu chuyện này tại một hội thảo, có một người đàn ông với đôi mắt ngấn lệ đã đến gặp tôi, nắm lấy tay tôi và nói: "Ông Mark, tôi là Jim Wilson. Ông vừa kể về Patti, con gái tôi. Nó thật phi thường, phải không ông!". Sau buổi nói chuyện với ông, tôi còn được biết chính những nỗ lực đáng khâm phục của Patti đã giúp quyên góp đủ kinh phí để lập nên 19 trung tâm trị liệu dành cho những người khuyết tật trên khắp đất nước. Nếu như Patti Wilson có thể vượt lên chính mình để lập nên những kỳ tích, thì với một cơ thể khỏe mạnh, và một đầu óc sáng suốt, bạn sẽ làm gì để có thể chiến thắng bản thân mình?
- Phương Thảo
Theo Run, Patti, Run

Post A Comment:

0 comments so far,add yours

support@ini.vn